“Độ trễ” – hay tại sao đôi khi không làm gì lại tốt hơn

I.) ‘Độ trễ’ giữa cảm nhận và biểu lộ

<< Ngày 4 tháng 7 năm 1863, Trận Gettysburg (Nội chiến Hoa Kỳ) đã kéo dài được 3 ngày. Đêm hôm đó, tướng Lee (Liên minh miền Nam) rút quân về phía nam. Đúng lúc trời bão, mưa tầm tã, lụt lội, khi Lee cùng đạo quân bại trận rút đến sông Potamac, ông không thể tiến được nữa. Trước mặt Lee là con sông cuồn cuồn đầy nước lũ, và đằng sau ông là đạo quân đang đà thắng trận của phe Liên bang miền Bắc. Lee bị kẹp, ông không chạy đi đâu được nữa.

Tại Nhà Trắng, Lincoln nhìn ra cơ hội trời cho này, – cơ hội để bắt sống Lee và toàn bộ quân miền Nam, kết thúc cuộc chiến ngay lập tức. Lincoln lập tức đánh điện tướng chỉ huy tại Gettysburg, tướng Meade. Lincoln lệnh cho ông này lập tức kéo quân đánh Lee, bỏ qua những cuộc họp Hội Đồng Tham Mưu (Council of War), lập tức ra quyết định tiến đánh. Lincoln rất sốt sắng, thậm chí còn cho hẳn một người đưa tin đến để thúc giục tướng Meade hành động.

Còn tướng Meade thì sao? Tướng Meade đi ngược lại với tất cả những mệnh lệnh tổng thống đưa ra. Ông chần chừ, ông do dự, ông mở các cuộc họp Hội đồng tham mưu. Ông đánh điện về Nhà Trắng, viện đủ mọi thứ lý do để trì hoãn tiến công. Cuối cùng nước lũ rút, và Lee dẫn quân vượt sông Potamac, an toàn thoát khỏi tình thế hiểm nguy.

Lincoln giận phát điên. Ông nói với con trai Robert: “Thế này là thế nào? Trời ơi! Thế này là thế nào? Chúng ta đã nắm quân địch ở trong tay, chỉ cần với tay ra là bắt được chúng; ấy thế mà nói gì làm gì cũng không làm cho quân ta di chuyển. Tình huống như thế, tướng nào cũng có thể đánh bại Lee. Nếu cha đến tận đó, cha đã có thể tự tay quét bay tướng Lee.

Cực kỳ thất vọng, Lincoln ngồi xuống viết một bức thư:

" Đại tướng thân mến,

Tôi không tin là ông nhận ra được sự nghiêm trọng của việc để tướng Lee chạy thoát. Hắn đã ở trong tầm tay của chúng ta, nếu tóm hắn ngay lúc đó, chúng ta đã có thể kết thúc cuộc chiến. Như tình hình bây giờ, cuộc chiến không biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Nếu ông không thể tấn công Lee vào thứ hai tuần trước, thì nay ông làm sao có thể đánh được ở phía nam dòng sông, khi mà lực lượng ông mang theo chỉ có thể đến tầm hai phần ba toàn lực ông có trong tay tuần trước? Sẽ là vô lý nếu tôi kì vọng vào điều đó và tôi không mong chờ ông làm được gì nhiều trong tinh huống bây giờ. Cơ hội bằng vàng của ông đã trôi qua, và bây giờ tôi cực kỳ buồn về điều đó."

Nhưng Meade không bao giờ đọc được bức thư này. Lincoln không viết nhưng không gửi bức thư đi. Bức thư được tìm thấy trong đống giấy tờ của Lincoln tại Nhà Trắng (sau khi ông này bị ám sát). >> (Dale Carnegie, ‘Đắc nhân tâm’1

Từ mệnh lệnh của Lincoln đến hành động của Meade có một ‘độ trễ’ không hề nhỏ. Độ trễ này đã làm vuột mất cơ hội kết thúc sớm chiến tranh của Liên bang miền Bắc. Độ trễ này đã làm Lincoln giận phát điên lên, khiến vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ phải viết bức thư khiển trách như đã dẫn ở trên. Nếu như bức thư trên tới tay tướng Meade, có lẽ ông sẽ từ chức sau khi đọc xong bức thư. Tướng Meade nổi tiếng là một người có lòng tự trọng cao. Meade từ chức sẽ là một tổn thất khi Lincoln đã thay biết bao nhiêu tướng mới tìm được một người như Meade đánh bại được Lee tại Gettysburg. Nói cách khác nếu Lincoln nóng đầu viết xong thư, lập tức gửi đi cho Meade ‘biết mặt’, có lẽ ông sẽ mất đi một nhân tài.

Lincoln đã tạo ra một ‘độ trễ’ giữa cảm xúc tức giận nhất thời và sự bộc lộ cảm xúc đó với tướng Meade. Có lẽ Lincoln tự thấy mình đang rất nóng nên đã tạm cất thư vào ngăn kéo sau khi viết xong…

"Độ trễ": (khái niệm kỹ thuật)khoảng thời gian trôi qua giữa kích thích và phản ứng, giữa đầu vào (input) và đầu ra (output), khoảng thời gian ở giữa là khoảng thời gian cần thiết xử lý, vận hành (xử lý thông tin, vận hành các bước trong quy trình). 2

Viết ra bức thư là một cách để Lincoln xả sự tức giận nhất thời xuống giấy, cất bức thư đi không gửi vội là cách Lincoln cho bản thân thêm thời gian, tạo ra ‘độ trễ’ cần thiết để sự phê bình của ông với Meade không vượt quá mức cho phép. (Sự thật là sau đó Lincoln vẫn khiển trách, nhưng là gửi lời tới tổng chỉ huy Henry Halleck, cấp trên của Meade. Meade tự ái và xin từ chức, nhưng đơn từ chức bị từ chối, ngược lại Meade tiếp tục được trọng dụng và thăng chức vì công đẩy lùi và đánh bại tướng Lee của miền Nam tại Gettysburg).3

Khi nhận ra bản thân có những cảm xúc nóng giận bừng bừng, hãy giống như Lincoln, tự tạo cho bản thân một ‘độ trễ’ nhất định trước khi tìm cách thích hợp để bộc lộ sự không vừa lòng đó với kẻ làm cho bạn tức giận. Bởi vì nếu bạn để cảm xúc nóng giận bột phát đưa bản thân đến hành động bột phát, bạn sẽ phải hối hận…

"Trong phép xử thế hàng ngày, tôi thường nhận thấy không biết bao nhiêu việc xảy ra không tốt chỉ vì thiếu điềm tĩnh trong một phút mà để ân hận suốt đời." (Nguyễn Duy Cần)4
"Bạn không thể đè nén tức giận hay tình yêu, cũng không thể và không nên trốn tránh những cảm xúc này. Nhưng phải rất cẩn thận về cách bộc lộ những cảm xúc này. Và quan trọng nhất, không bao giờ được để những cảm xúc này ảnh hưởng đến đại cục, ảnh hưởng đến những kế hoạch và chiến lược của bạn." (Robert Greene, 48 Laws of Power)5

Khi được một bạn đọc xin lời khuyên về một tình huống căng thẳng tại công ty, Robert Greene đã trả lời:

" Nên làm gì và không nên làm gì là hai mặt của một đồng xu: Tránh không phản ứng bột phát. Hãy từ từ sử dụng thời gian. Để vấn đề sang một bên. Hãy để cho cơn tức giận và những cảm xúc bột phát nguội lại. Nhìn vào tình huống với một con mắt lạnh lùng hơn. Chính tôi nhiều lúc cũng không làm theo được điều này."6

II.) HALT!

Bậc thầy viết quảng cáo (copywriting) Gary Halbert có đề cập đến khái niệm “HALT” trong quyển “Những bức thư Boron” (bức thư số 20).7

Halbert cho rằng khi bạn có một trong những cảm xúc “HALT”: Hungry – đói, Angry – giận, Lonely – cô đơn, Tired – mệt mỏi, đó là lúc bạn cần HALT! – Dừng lại việc đang làm nếu có thể. Những lúc có cảm xúc “HALT”, bạn không nên đưa ra quyết định gì quan trọng. Hãy dừng lại và thay đổi trạng thái: đi dạo, chạy bộ, nghe nhạc, chơi thể thao. Đó là cách đẻ mang lại ‘độ trễ’ cho bộ não, khi nó đang mệt mỏi, quá tải với quá nhiều thông tin, hoặc là bị ức chế bởi những cảm xúc quá mãnh liệt. Hãy để cho thần kinh của mình tạm được chùng xuống, khi bạn cảm thấy ‘HALT!’ hãy ‘HALT!’ ngay lập tức.

Tại sao lại phải dừng lại? Halbert giải thích là bởi vì khi ở vào trong những trạng thái kể trên, con người ta mất đi sự nhạy cảm cần thiết đối với thực tế cuộc sống xung quanh (the sense of reality), mất đi sự sáng suốt cần thiết. Cũng vì thế mà những quyết định quan trọng không nên được đưa ra trong lúc này, khi lí trí đã bị che mờ.

Ngoài ra Halbert cũng đưa ra một phép thử khá thú vị (tự bản thân người viết đã thực chứng, mặc dù chưa thấy có căn cứ khoa học cụ thể nào) để bạn có thể ngay lập tức trong cuộc sống hàng ngày đều đặn kiểm tra sự nhạy cảm của bản thân đối với thực tế xung quanh. Phương pháp đó như sau:

Bước 1: Không nhìn đồng hồ hay điện thoại, máy tính. Bạn hãy tự hỏi và trả lời câu hỏi: Bây giờ là mấy giờ. Ước lượng một con số rồi ghi ra giấy.

Bước 2: Xem đồng hồ thời gian thực lúc bấy giờ. Ghi con số thời gian thực tế ra giấy.

Bước 3: So sánh sự sai lệch giữa con số ước lượng và con số thực tế.

Bước 4: A)Nếu như sự sai lệch dưới 7 phút, có thể coi tinh thần bạn hãy còn rất minh mẫn và sắc bén. Có thể tiếp tục làm việc. B) Nếu như sự sai lệch quá 10 phút, bạn nên tạm dừng lại và làm gì đó để thư giãn trong vài phút. Vì sự nhạy cảm của bạn đối với thực tế xung quanh không còn quá sắc bén.

III.) ‘Độ trễ’ trong hành động: Không làm gì có khi lại hay hơn…

‘Độ trễ’ trong đưa ra quyết định hành động, khoảng thời gian giữa lúc cảm thấy mình cần làm một việc gì đó và lúc quyết định hành động, đôi khi không có lợi. Giống như tướng Meade đã mất quá nhiều thời gian để tính toán phương an truy kích tướng Lee, như đã nói ở phần 1.

Tuy nhiên cũng có những loại ‘độ trễ’ trong hành động mà ta phải chấp nhận, bằng không sẽ xôi hỏng bỏng không. Giống như câu chuyện ‘nông phu nhớm lúa’: một người nông dân trồng lúa, gieo mầm, tưới nước, bón phân đầy đủ mà lúa vẫn chưa cao được như bên hàng xóm, bèn dùng tay kéo lúa lên cho cao bằng bên nhà hàng xóm mới chịu. Kết quả lúa chết. ‘Độ trễ’ ở đây là ‘độ trễ’ giữa ‘nhân’ và ‘quả’. Từ ‘nhân’ đến ‘quả’ còn cần có cả những yếu tố bên ngoài (gần với chữ ‘Duyên’ trong Phật Học), bao gồm cả thời gian cho cây lúa cần để trưởng thành, yếu tố thời tiết bên ngoài. Tất cả những yếu tố này tạo nên một ‘độ trễ’ nhất định giữa những công sức bỏ vào một việc và kết quả ta nhận được. Mưu sự vì thế mà cũng chỉ nên vừa độ, làm vừa đủ trong sức mình rồi dừng lại, không trông đợi kết quả lập tức, chấp nhận có một ‘độ trễ’ nhất định trước khi có kết quả. Nhược bằng không sẽ lại phản tác dụng như câu chuyện kể trên.

Có những lúc, ngồi yên không hành động cũng là một loại sức mạnh, một loại nỗ lực không thể xem thường. Đôi khi xông xáo nhiệt tình hành động lại không phải là hay. Trong cuốn “Nghệ thuật tư duy rành mạch”, tác giả người Thuỵ Sĩ Rolf Dobelli có nhắc đến khái niệm ‘Action Bias’ – ‘Thành kiến hành động’.8 Khi một người có ‘Thành kiến hành động’, người này trước mọi tình huống thử thách sẽ cho rằng mình phải làm một cái gì đó để cải thiện tình huống, phải tỏ ra là mình đang bận rộn nỗ lực giải quyết vấn đề. Trên thực tế nhiều lúc con người ta cần bình tĩnh từ từ xem xét kĩ càng tiến triển của tình hình, thu thập thông tin để từ đó đưa ra quyết định, nếu không sẽ không có được phương án hành động tốt nhất.

Rolf Dobelli lấy ví dụ về việc can ngăn những vụ ẩu đả trong quán bar, những cảnh sát có kinh nghiệm sẽ ngồi ngoài quan sát và chỉ can thiệp cho đến khi có người bị thương, những cảnh sát còn non sẽ vội nhảy vào can thiệp, và thường thì sẽ dẫn đến nhiều đổ máu hơn so với cách can thiệp của những cảnh sát có kinh nghiệm. Nhiều tình huống biến động của cuộc sống khiến cho chúng ta có cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên, cảm thấy cần thiết phải động chân động tay làm cái gì đó, gọi điện cho ai đó, gặp một ai đó, nhắn một tin nhắn gì đó… Nhưng sự thật là đôi khi không hành động, ngồi yên suy nghĩ quan sát tình hình cũng là một loại kỹ năng, một loại sức mạnh.

Trước những kích ứng, khiếu khích của cuộc sống, bạn cần tạo ra một ‘độ trễ’ nhất định giữa kích ứng ngoại tại và phản ứng từ cá nhân bạn với cuộc sống. Nếu làm được như vậy, tạo được thời gian để cho bộ não cũng bạn bình tĩnh lại và lạnh lùng phán đoán thực tế, bạn sẽ tránh được nhiều sai lầm bồng bột ngớ ngẩn. Và thành công trong cuộc sống, phần nhiều là đến từ khả năng tránh phải những sai lầm ngớ ngẩn, giống như cố vấn đầu tư (và cũng là bạn thân) của Warren Buffett, – nhà đầu tư Charlie Munger từng nói:

"Tôi nghĩ là những thành quả đạt đầu tư được của tôi cho thấy sức mạnh của một lối tư duy - không hành động chỉ vì hành động, mà là kết hợp sự nhẫn nại tột độ cùng với sự quyết đoán tột độ.

Phải rất có bản lĩnh mới có thể ngồi đó với cả đống tiền mặt mà không làm gì cả. Tôi không được như ngày hôm nay bằng cách theo đuổi những cơ hội tầm thường."

IV.) DQ;KĐ (Dài quá; không đọc – bạn nào thấy dài và chưa muốn đọc hết ngay có thể kéo xuống phần này để lấy ý chính)

1.) ‘Độ trễ’: khoảng thời gian giữa kích ứng và phản ứng, thời gian mà máy móc cần để xử lý thông tin/vận hành theo quy trình để từ đầu vào (input) đưa đến kết quả đầu ra (output).

2.) Khi nóng giận, hãy tạo ra một ‘độ trễ’ đủ dài giữa cảm nhận và bộc lộ cảm xúc.

3.) Từ Gary Halbert: Hãy HALT! – Dừng lại và làm một việc gì đó khác khi bạn cảm thấy HALT (Hungry Angry Lonely Tired).

4.) Từ Gary Halbert – một phương pháp kiểm tra độ nhạy cảm với thực tế xung quanh (chưa có căn cứ khoa học xong có thể thử và thực chứng): Không nhìn giờ, tự hỏi bản thân bây giờ là mấy giờ và đưa ra một ước lượng. So sánh sự chênh lệch giữa thời gian ước lượng và thời gian thực tế. Nếu chênh quá 10 phút, đi làm việc khác đi. Nếu chênh từ 7 phút trở xuống: đầu óc vẫn đủ sắc bén, làm gì làm tiếp đi. Giữa 7 và 10 phút: tạm chấp nhận được, nghỉ vài phút cũng được.

5.) Chấp nhận sự tồn tại của ‘độ trễ’ giữa nỗ lực và kết quả của nỗ lực. Từ ‘nhân’ đến ‘quả’ còn có những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của bạn, những yếu tố nếu như bạn cố kiểm soát, đốc thúc có thể sẽ phản tác dụng.

6.) Tạo ra ‘độ trễ’ giữa kích ứng bên ngoài và hành động đáp trả của bản thân. Đứng trước một thử thách, hành động không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn tối ưu. #”Thành kiến hành động” Rolf Dobelli.

7.) Charlie Munger (cố vấn đầu tư của Warren Buffett): “Cần có bản lĩnh để ngồi yên trên một đống tiền mặt mà không làm gì. Tôi không trở nên giàu nhờ chạy theo những cơ hội tầm thường.”

V.) tài liệu tham khảo.

Tài liệu tham khảo

  1. Dale Carnegie. How to win friends and influence people. Simon&Schuster, 1981 edition.Chapter 1. p9-11.
  2. Khái niệm 'độ trễ' trong kỹ thuật.Trong kỹ thuật, 'độ trễ' được định nghĩa là khoảng thời gian trôi qua giữa kích thích và phản ứng, giữa đầu vào (input) và đầu ra (output), khoảng thời gian ở giữa là khoảng thời gian cần thiết xử lý, vận hành (xử lý thông tin, vận hành các bước trong quy trình). Ví dụ như khi bạn click mở một file video trong máy tính, file video sẽ không hiện ra ngay lập tức mà sẽ có một khoảng thời gian chờ đợi nhất định từ vài giây cho đến vài phần trăm của một giây. Đây là khoảng thời gian mà máy tính cần để xử lý đầu vào của bạn và đưa kết quả ra màn hình máy tính, chính là 'độ trễ', tuỳ vào tốc độ xử lý phần cứng của máy tính mà 'độ trễ' có thể dài ngắn khác nhau, nhưng nó luôn luôn tồn tại. Khái niệm 'độ trễ' thuộc về khoa học kỹ thuật nhưng nó cũng có thể được nhìn dưới những góc độ khác của cuộc sống hàng ngày, như trong đối nhân xử thế, trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, và trong việc theo đuổi các mục tiêu. 
  3. Generals and Admirals: George Meade. From “Mr Lincoln Whitehouse’. Accessed on 11th August 2017 http://www.mrlincolnswhitehouse.org/residents-visitors/the-generals-and-admirals/generals-admirals-george-meade-1815-1872/
  4. Nguyễn Duy Cần. Thư trả lời học giả Huỳnh Khắc Dụng đăng trên Tuần Báo Thế Giới 1952.https://goldennguyen.com/cuoc-tranh-luan-giua-hai-nha-van-ve-suc-manh-cua-tam-hon-va-bao-luc/
  5. Robert Greene. 48 Laws of Power. Viking Penguin, United States.2000.Preface:"You cannot repress anger or love, or avoid feeling them, and you should not try. But you should be careful about how you express them, and most important, they should never influence your plans and strategies in anyway."
  6. Robert Greene. Reddit AMA. 15 November 2012.https://www.reddit.com/r/tabled/comments/13aefz/table_iama_i_am_robert_greene_author_of_the_48/
  7. Gary Halbert. The Boron Letters. Chapter 20.https://www.amazon.com/Boron-Letters-Gary-C-Halbert/dp/1484825985
  8. Rolf Dobelli. The art of thinking clearly. Sceptrebook, Great Britain.2013. Chapter 43: Why watching and waiting is torture: Action Bias.

3 thoughts on ““Độ trễ” – hay tại sao đôi khi không làm gì lại tốt hơn”

  1. cám ơn bạn đã động viên, mình sẽ cố gắng viết đều hơn trong thời gian tới, mong bạn sẽ tiếp tục ghé thăm blog khi mình viết xong đống bản thảo chưa hoàn thành 🙂

Leave a Reply